Thursday, April 28, 2016

Trao đổi cùng Jeff (2)


Hình ảnh cuối cùng của Phill đã tắt. Jeff không đưa mình về hiện tại ngay mà tiếp tục:
- Hãy kết nối hai cuộc đời trước đây và nhận biết họ có ý nghĩa thế nào?
- Không "nghe" thấy câu trả lời, nhưng tôi đang thấy một quả cầu với hình tượng âm dương (yin/yang) quay tròn theo 1 chiều.
Đầu yang nối tiếp đuôi yin và ngược lại. Quả cầu quay nhanh hơn, hai phần âm dương như lẫn vào nhau theo tốc độ tăng dần cho đến khi chỉ còn 1 khối cầu tròn trọn vẹn, chậm chậm bay hút khỏi tầm nhìn.
- Nơi khối cầu đã bay đi, hãy nhìn xem còn điều gì diễn ra.
- Hình như bóng dáng một người đứng vị trí cao hơn một chút ... Không hẳn. Chỉ là hai bàn tay đưa ra từ quầng sáng - với chi tiết khá rõ là ống tay áo rộng bao phủ cánh tay được viền trang trí bằng dải vàng hoạ tiết lấp lánh -  ra hiệu như bảo mình đứng lên với ngụ ý chính xác là "Lighten up! Lighten up yourself" (ngay lúc này, khi đang viết lại, mình đang suy nghĩ nên dịch "lighten up" với nghĩa sao cho phù hợp qua tiếng Việt). Có thể là: hãy bớt buồn phiền, hãy tự toả sáng cho tâm hồn. (Có ai có thể giúp mình dịch sao cho gần nghĩa nhất?)

  ***

Một sự kiện xảy ra tháng 8 năm ngoái 2015, mình nghĩ sẽ giữ trong lòng không kể lại cùng ai, vì có kể ra chắc khó mà hiểu/thông cảm/chia sẻ được. Nhưng bây giờ, mình đã diễn giải được rành mạch cho bạn chồng - mình tin trong chuyện này, là người chứng kiến hết mọi việc, bạn ấy là người hiểu mình nhất. Sau mọi việc, mình nghĩ có thể viết lại đây.
Thời gian làm slideshow chuẩn bị cho lễ tang bố chồng, mình được xem và chọn lựa trong cả kho hình quý giá mà ông giữ được đến ngày nay. Ông - một người lính Cộng hoà, cũng từng có tuổi trẻ tràn đầy sức sống. Ông phong trần, hiên ngang và tự hào trong bộ quân phục. Đằng sau vỏ ngoài của người lính cứng cáp, là tâm hồn người nghệ sĩ, ông chơi nhạc, vẽ tranh, và ông từng yêu say đắm. Giai đoạn tuổi trẻ của người lính, phe Cộng hoà - đã một thời là biểu tượng trái ngược với gia đình mình -  hiện ra như một cuốn phim, cuốn phim khiến cho cảm xúc lạ kỳ từ sâu đáy lòng mình dâng lên vỡ oà. Mình khóc, người run lên, nức nở với mỗi lần chỉnh sửa hay xem lại những hình ảnh đẹp nhất, ý nghĩa nhất theo sự chọn lựa của mình. Quả thật, mình ngạc nhiên và hơi sợ hãi với cảm xúc vượt ngoài kiểm soát như vậy. Có lẽ mất mát của gia đình chồng khiến mình nhớ đến sự thiếu vắng của Ba? Không phải. Thậm chí, mình cố lục những khoảnh khắc buồn nhất ngày Ba mất nhằm gán ghép thành lời giải thích về tâm trạng kỳ quặc, mình tự ép phải tin là thế. Có, nhưng không hẳn. Ký ức về Ba lúc ấy nằm rất yên trong tâm khảm.
Mình mân mê, nâng niu những tấm ảnh chứa đầy lịch sử, thời gian và không gian. Những luỹ chiến hào, những ụ cát, những vòng kẽm gai, những người lính trẻ trong quân trang rằn ri, những dáng vẻ tự tin đứng ngồi quanh chiếc xe quân sự bụi bặm hầm hố. (Thậm chí ngày tang lễ mình còn phản ứng hơi gay gắt khi thấy một vài tấm hình treo trong gian phòng nơi ông nằm bị ai đó vô tình dùng đinh, ghim vào bảng.)
Một tuần lễ chuẩn bị là 7 ngày vô cùng bất ổn, bên cạnh chia sẻ sự thương tiếc người cha cùng gia đình,  khóc vì thương cho tuổi trẻ hào hùng của một đời người đã qua, tiếc cho lòng nhiệt huyết tràn sức sống đã tắt. Mình muốn cô đọng trong khuôn khổ slideshow chỉ với những hình ảnh thời đời lính oai phong của ông, thầm nghĩ giá như không cần tiếp nối hình ảnh ngày ông đã lớn tuổi (tất nhiên, không thể làm thế).
Mệt mỏi, buồn, đến phát bệnh nặng mà không hiểu vì sao.
Cuộc đời của Phill trong cuộc chiến ở VN đã giúp lý giải cho tâm trạng phức tạp tuần lễ ấy. Vô thức, mình đã nhận ra những hình ảnh quen thuộc.
Mình ngẫm nghĩ và nhận ra thế này:
• Với thôi miên, mình hiểu được nguồn gốc sâu xa dẫn đến sự bùng nổ cảm xúc với những hình ảnh của ông. Có nghĩa, nhìn theo khía cạnh này, mình không phải là người có tâm thần bất ổn. Lời giải thích này, đã gột bỏ thắc mắc luẩn quẩn, băn khoăn về tình trạng tâm lý của mình. Hình dung như bước về nhà, trút bỏ được tấm áo chật chội bức bối sau một ngày dài ngoài đường mệt nhọc.
 Cuộc đời này, mình được học nghệ thuật tạo hinh, được sống trong môi trường biết tiếp thu cái đẹp và lưu giữ lại cảm xúc qua khả năng vẽ, khắc, chạm. Có phải sự lựa chọn bắt nguồn từ chàng trai trẻ những năm 50, người luôn nhìn thấy cái đẹp của thiên nhiên, của tạo hoá? Có phải để có được số phận này, mình đã chọn trở lại trong một gia đình gồm nhiều hoạ sĩ?
• Nếu không tìm được nguồn cơn thật sự, theo phương diện khác, có thể tâm lý mình bất ổn thật, bởi nó bắt nguồn từ bản chất quá nhạy cảm, mình hay nói đùa với mọi người là "mong manh dễ vỡ", có khả năng nhập tâm vào vị trí của người khác để cảm nhận (cảm về khí phách người lính trẻ tràn sức sống, nhiệt huyết, cảm thấy cái đẹp trong những con người đứng kia, cái đẹp trong quang cảnh từ những bức ảnh). 
        Mình ý thức được giá trị từ những tấm ảnh của bố chồng, quý trọng nó như một phần     của lịch sử - từ khoảnh khắc được chụp lại cho đến loại giấy in hình thời bấy giờ, sự chuyển đổi màu sắc qua năm tháng, và cả những dòng chữ được ghi ở mặt sau.
       Có thể ví như một người yêu thích đọc sách, họ sẽ ý thức quý sách, giữ gìn, trở thành thói quen. Vậy đó có phải là một trong những nhân tố hình thành tính cách?
Nếu không biết được sự cảm thụ cái đẹp bắt rễ từ đâu, mình đã và vẫn đang biết đấy là sự thừa hưởng từ tố chất của Ba, Mẹ, Ông ngoại, và sự cộng hưởng từ tất cả thành viên khác trong gia đình lớn. Và, cũng vì làm nghệ sĩ, nên tâm trạng, suy nghĩ của mình cũng không thể như những người học về kỹ thuật, cơ khí ... Giải thích vì sao mình dễ dàng lâm vào tình trạng tinh thần bất ổn định (nếu không muốn nói là bị dở hơi, bị tâm thần) để rồi dẫn đến bùng nổ cảm xúc với những bức hình cũ của bố chồng.

  ***

Câu hỏi cuối cùng Jeff đưa ra trước khi dẫn mình về lại hiện tại:
- Kết dính 3 cuộc đời, hãy tự hỏi yếu tố quan trọng nhất, cô đọng nhất là gì.
Không một chút nghĩ ngợi, mình đã trả lời dứt khoát và suôn sẻ: Hai cuộc đời đã qua, hai con người đã chết để tạo dựng nên cá thể là mình ngày hôm nay - có lẽ, trong trạng thái bình thường, mình không thể nghĩ ra một nhận định nhanh và rõ ràng như thế. Thông thường, Jeff cần phải giữ thái độ và âm vực bình thản đều đều. Nhưng lúc ấy, nghe Jeff thốt lên "So beautiful!" (Thật đẹp quá), cùng lúc, mình hiểu ý nghĩa của lời kết luận được diễn đạt ra một cách gần như vô thức.
Mình rút ra rằng, tất cả chúng ta, mỗi người là một thế giới độc nhất vô nhị. Thế giới ấy được xếp lên bởi bề dày của kinh nghiệm tích tụ qua bao cuộc sống khác nhau. Chẳng vô cớ mà anh em cùng cha mẹ sinh ra, cùng được nuôi dưỡng, giáo dục như nhau, nhưng mỗi đứa con sẽ phát triển nên những tính cách khác biệt. Thử nghĩ lại luật nhân quả, sẽ thấy sự hợp lý, đơn giản như một quy tắc anh có vay, thì anh phải trả, anh trồng cây táo, cây táo sẽ không ra quả chanh ... thế thôi. Anh sống trong sự tức giận, căm ghét, thù hận người khác, dấu ấn ấy sẽ in hằn trong tâm thức; khi sang một trang mới, ít nhiều, anh sẽ vô thức lặp lại tính cách ấy; nếu vẫn không rút ra được, nó trở thành vòng luẩn quẩn kg điểm dừng hoặc có thể anh trở thành nạn nhân của sự hận thù, ghét bỏ của người khác, chỉ khi ấy anh sẽ cảm nhận và hiểu, để sẽ thay đổi, học cách tha thứ và có thể sống thanh thản trong một cuộc đời tốt đẹp hơn.
Những điều này, ai ai cũng đã nằm lòng. Mình cũng đã được dạy từ khi còn bé. Nhưng với hiểu biết bằng thực tế xảy ra với chính bản thân, mình tin chắc định luật tự nhiên là như thế, không chỉ là những lời răn dạy khiến con người lo sợ rồi cố sống tốt để "lỡ" có kiếp sau mình sẽ sung sướng. (Đây là cách diễn giải theo tiếp thu của cá nhân, mình không mang ý gây sự khó chịu cho người khác có suy nghĩ bất đồng, nhất là không chủ ý đụng chạm đến niềm tin của bất cứ ai).
Vài tuần trước đây, mình còn khó nắm bắt khái niệm mà tác giả Brian Weiss đặt ra: "Nếu như một con người được sinh ra, lớn lên, tích tụ tri thức, hiểu biết, để rồi chết, hết - chấm dứt, thì mọi sinh tồn trong vũ trụ quả là vô giá trị, hoặc là sự phí phạm", thì bây giờ mình đã hiểu.
Thế giới này khó tìm thấy sự hoàn hảo, nhưng không đều gì xảy ra một cách thừa thãi và sai lệch. Cân bằng luôn là nền móng của tạo vật.


No comments: